Giám sát hỗ trợ hoạt động can thiệp điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại cộng đồng ở tỉnh Gia Lai
Đăng ngày: 27/09/2024Nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động can thiệp điều trị suy dinh dưỡng (SDD) cấp tính nặng cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi tại cộng đồng ở tỉnh Gia Lai, đồng thời kịp thời giải đáp các thắc mắc và khó khăn mà cán bộ xã gặp phải trong quá trình triển khai thực tế tại địa phương. Từ ngày 18/9 đến 20/9, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã thành lập 3 đoàn công tác, do 3 lãnh đạo Viện làm trưởng đoàn, đến giám sát và hỗ trợ tại 09 huyện của tỉnh Gia Lai.
Mỗi huyện đoàn tiến hành giám sát công tác quản lý và điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại tại 02 xã, tìm hiểu các khó khăn vướng mắc khi thực hiện điều trị SDD cấp tính, tiến hành thăm hộ gia đình và tư vấn trực tiếp cho người chăm sóc trẻ về điều trị SDD cho trẻ tại gia đình.
Đoàn giám sát số 1, giám sát tại 03 huyện/thành phố: thành phố PleiKu, huyện Ia Grai và huyện Mang Yang do TS.Viên Chinh Chiến - Viện trưởng làm trưởng đoàn, tham gia có 02 cán bộ chuyên môn của khoa Sức khỏe Môi trường – Dinh dưỡng (SKMT-DD) và BS. Nguyễn Văn Đồng (PGĐ. CDC Gia Lai), 01 cán bộ chuyên trách CDC và 01 cán bộ chuyên trách tuyến huyện.
Đoàn giám sát làm việc tại TYT xã Ia Khai, huyện Ia Grai
Đoàn giám sát cân, đo cho trẻ dưới 5 tuổi
Đoàn hỏi thăm và tư vấn cho người chăm sóc trẻ về điều trị SDD cấp tính
Đoàn giám sát số 2, giám sát tại 03 huyện: huyện Chư Prông, huyện Đức Cơ và huyện Chư Păh do TS. Lê Văn Tuấn - Phó Viện trưởng làm trưởng đoàn, tham gia có 02 cán bộ chuyên môn của khoa SKMT-DD, 01 cán bộ chuyên trách CDC và 01 cán bộ chuyên trách tuyến huyện.
Đoàn giám sát làm việc tại TYT xã Ia Boòng, huyện Chư Prông
Đoàn đi thăm hộ gia đình có trẻ đang điều trị trẻ SDD cấp tính
Đoàn giám sát số 3, giám sát tại 03 huyện: huyện Phú Thiện, huyện Ia Pa và huyện Krông Pa do TS. Bùi Khánh Toàn - Phó Viện trưởng làm trưởng đoàn, tham gia có 02 cán bộ chuyên môn của khoa SKMT-DD, 01 cán bộ chuyên trách CDC và 01 cán bộ chuyên trách tuyến huyện.
Đoàn giám sát thăm khám và hướng dẫn trẻ ăn sản phẩm RUTF
Các đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao việc cấp phát sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng cấp tính tại các trạm y tế được thực hiện đúng quy trình, có lưu đủ hồ sơ cấp phát sản phẩm có đầy đủ chữ ký của người nhận sản phẩm, sản phẩm điều trị được bảo quản đúng quy định và có theo dõi số lượng sản phẩm. Trạm Y tế thực hiện tiếp nhận trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng vào chương trình điều trị đúng theo quy trình: Lập hồ sơ quản lý trẻ SDD cấp tính, ghi thông tin vào mẫu phiếu khám theo dõi, chỉ định cấp phát sản phẩm RUTF hàng tuần, tư vấn cho người chăm sóc trẻ tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị và hàng tháng cán bộ Y tế thực hiện thăm trẻ tại hộ gia đình. Gia đình có trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng tích cực ủng hộ và tham gia điều trị nên nhiều trẻ chỉ ăn sản phẩm RUTF được khoảng một tháng là thoát khỏi SDD cấp tính nặng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một số khó khăn như:
- Một số cán bộ chuyên trách tuyến huyện/xã còn lúng túng khi triển khai: cấp sản phẩm cho trẻ mà không quản lý được lượng sản phẩm mà trẻ ăn, thăm hộ gia đình nhưng chưa biết cách hướng dẫn, hỗ trợ, khai thác thông tin từ người chăm sóc...
- Tại địa phương, trẻ SDD cấp tính nặng đa số là hộ nghèo, không tập trung tại một thôn/buôn mà nằm rải rác, trẻ em người dân tộc thiểu số thì hay theo cha mẹ lên rừng/rẫy nên không đến trạm để khám, nhận sản phẩm RUTF đúng thời gian quy định.
- Hầu hết các trẻ suy dinh dưỡng cấp tính có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà cách xa trạm, không có phương tiện di chuyển nên mỗi kỳ tái khám cán bộ Y tế trạm phải tự đến từng nhà trẻ khám và cấp sản phẩm tuần tiếp theo cho trẻ.
- Một số trẻ SDD cấp tính nặng bị bệnh bẩm sinh (tim bẩm sinh, bại não, Down…) nên khó thoát khỏi SDD.
- Người chăm sóc trẻ chưa có kiến thức về chăm sóc trẻ SDD cũng như chưa dành nhiều thời gian để chăm sóc trẻ nên chưa kiểm soát được lượng RUTF mà trẻ ăn.
Qua giám sát hỗ trợ, các đoàn đã hướng dẫn cho cán bộ Trạm y tế tuyến xã về các bước tiếp nhận, quản lý, can thiệp điều trị trẻ SDD cấp tính nặng; hướng dẫn và khuyến nghị cấp phát sản phẩm điều trị SDD cấp tính nặng tại địa phương; hướng dẫn thêm cho cán bộ Trạm y tế cách thăm hộ gia đình để hướng dẫn và kiểm tra thực tế điều trị SDD cấp tính nặng của trẻ ở gia đình phù hợp với thực tế tại địa phương; đưa ra hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động để phù hợp với thực tế điều trị trẻ SDD cấp tính nặng mà trạm y tế xã đang triển khai.
ThS.BS. Nguyễn Thị Thùy