Tổ chức khóa đào tạo "Dịch tễ học thực địa cơ bản" thứ 7 tại Khu vực Tây Nguyên
Đăng ngày: 15/07/2024Chương trình dịch tễ học thực địa là một trong những Chương trình nâng cao năng lực bắt đầu từ năm 1980 khởi xưởng bởi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ nhằm tăng cường năng lực phát hiện và ứng phó, giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Đến nay, Chương trình FETP đã được triển khai tại trên 80 quốc gia trên thế giới với sự hỗ trợ của CDC Hoa Kỳ và các đối tác, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, Chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa (FETP) Việt Nam được Bộ Y tế ra quyết định thành lập từ năm 2007 trên cơ sở hợp tác và hỗ trợ từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC). Mục đích của chương trình hướng tới việc tăng cường năng lực quốc gia trong việc phát hiện, điều tra và ứng phó với bệnh dịch mới nổi và các sự kiện y tế công cộng phù hợp với khung chiến lược Châu Á Thái Bình Dương về các bệnh mới nổi và sự kiện y tế công cộng khẩn cấp của WHO (APSED III) và Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR 2005). Ban đầu được thực hiện theo 2 loại hình đó là mô hình (3 tháng cho cán bộ y tế dự phòng và thú y) một sức khỏe và mô hình 2 cấp (cho cán bộ y tế dự phòng): ngắn hạn (3 tuần) và dài hạn (2 năm). Đến năm 2018, tiến hành đổi mới theo mô hình 3 cấp: cơ bản (3 tháng), trung hạn (9 tháng) và dài hạn (12 tháng). Ngoài ra, sẽ có một số định hướng chương trình sau đào tạo hoàn chỉnh 3 cấp được công nhận qua hệ thống văn bằng. Đến thời điểm hiện nay, đã có 38 chuyên viên FETP cấp cao và hơn 200 chuyên viên FETP cơ bản được đào tạo, đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.
Khóa Dịch tễ học thực địa cơ bản (hay FETP cơ bån) là một chương trình đào tạo 12 tuần (3 tháng) nhằm nâng cao năng lực của cán bộ y tế trong các hoạt động giám sát, điều tra và đáp ứng các vấn đề y tế công cộng, trước hết là dịch bệnh truyền nhiễm. Từ đó đưa ra đề xuất, thực hiện các giải pháp can thiệp phù hợp. Với phương pháp tiếp cận “học thông qua thực hành”, Chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa khu vực Tây Nguyên đã cho thấy nhưng hiệu quả trong việc nâng cao năng lực của cán bộ y tế dự phòng, trong đó có các cán bộ tham gia công tác giám sát và đáp ứng tại các tuyến. Sau quá trình đào tạo, học viên cũng đã bước đầu áp dụng các kiến thức, kỹ năng vào trong các dịch bệnh gia tăng trong giai đoạn này như: COVID-19, Bạch Hầu, Tay Chân Miệng, Sốt xuất huyết Dengue, Rota Virut, …. Dưới sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và tài trợ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam, qua 3 năm triển khai các các đào tạo nâng cao năng lực cho các cán bộ y tế tuyến cơ sở thông qua Chương trình đào tạo Dịch tễ học thực địa cơ bản đã góp bước đầu phần tăng cường năng lực cho hệ thống giám sát và đáp ứng dịch bệnh với hơn 100 cán bộ y tế được đào tạo qua 6 Khóa đào tạo cho các cán bộ y tế dự phòng các tuyến thuộc khu vực Tây Nguyên.
Ngày 01/07/2024, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phối hợp với Chương trình dịch tễ học thực địa (FETP) Việt Nam, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC) tổ chức khóa đào tạo "Dịch tễ học thực địa cơ bản” thứ 7 tại Khu vực Tây Nguyên (khóa 29 cả nước – SC29). Buổi Lễ khai giảng khóa đào tạo có sự tham dự của TS.BS. Viên Chinh Chiến – Viện trưởng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, TS.BS. Viên Quang Mai – Chuyên gia dịch tễ, Chương trình dịch tễ học thực địa Việt Nam, cùng sự hiện diện của quý giảng viên và 21 học viên là các cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ giám sát, báo cáo và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm tại Khu vực Tây Nguyên.
Giới thiệu về chương trình khóa đào tạo, TS.BS. Viên Chinh Chiến – Viện trưởng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho biết khóa đào tạo sẽ được triển khai trong thời gian 12 tuần (bắt đầu từ tháng 7/2024 đến tháng 9/2024), gồm 3 hội thảo tập trung có tính tương tác cao xen kẽ 2 đợt thực địa tại địa phương, nơi công tác. Nội dung đào tạo của khóa học bao gồm các kiến thức cơ bản về phương pháp giám sát, điều tra, phát hiện và ứng phó bệnh tật. Điểm nổi bật nhất của khóa FETP cơ bản là mỗi học viên sẽ được ít nhất một hướng dẫn viên thực địa có kỹ năng và kinh nghiệm hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình triển khai bài tập thực địa qua đó bổ sung và nâng cao năng Iực của học viên sau khóa đào tạo này.
Theo đó, khóa học đã thu hút sự tham gia của 21 học viên tại các tuyến của khu vực Tây Nguyên như: Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum và Lâm đồng, và 18 Trung tâm y tế huyện thuộc 4 tỉnh Tây Nguyên (Đăk Đăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum). Các học viên hầu hết là những cán bộ y tế trẻ, có trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết và có tinh thần học hỏi. Khóa SC29 sẽ cung cấp cho học viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành những chuyên gia dịch tễ học có năng lực và kỹ năng chuyên nghiệp đóng góp cho công cuộc bảo vệ sức khỏe của cộng đồng các dân tộc khu vực Tây Nguyên.
Một số hình ảnh của khóa học:
TS.BS. Viên Chinh Chiến – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phát biểu khai mạc Khóa đào tạo
Lễ Khai giảng Khóa đào tạo "Dịch tễ học thực địa cơ bản” thứ 7 tại Khu vực Tây Nguyên (khóa 29 cả nước – SC29)
Hoàng Nghĩa Thắng - Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm