Hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại 28/9”
Đăng ngày: 04/10/2023Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nhóm B theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh gây ra bởi vi rút thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt của chó bị nhiễm vi rút dại. Bệnh Dại lây truyền qua vết cắn, vết liếm trên da hoặc niêm mạc bị tổn thương. Người và động vật khi đã bị bệnh dại nếu không điều trị dự phòng đều sẽ dẫn tới tử vong gần như 100%.
Tại Việt Nam bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm, số ca tử vong do bệnh dại luôn giữ vị trí cao nhất, chiếm khoảng 50% các ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên người và hiện đứng thứ 14 trên thế giới. Trong các năm từ 1991-1995, tính trung bình mỗi năm có 400 người chết do bệnh Dại (cao gấp 8 lần số người chết do bệnh Viêm não vi rút và gấp 4 lần so với số người chết do bệnh Sốt xuất huyết). Trong 12 năm từ 1996 - 2007, trung bình hàng năm có 107 ca tử vong do Dại, giảm mỗi năm 293 ca so với thời kỳ 1991 - 1995. Tuy nhiên nguyên nhân tử vong ở người do bệnh Dại vẫn còn cao hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm khác. Trong giai đoạn 2011-2015 số ca tử vong có giảm xuống với trung bình khoảng 95 ca tử vong/ năm với khoảng 380.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng mỗi năm.
Tại khu vực Tây Nguyên, bệnh Dại đang là mối quan tâm đối với hệ thống y tế với số trường hợp tử vong cao so với cả nước. Trong giai đoạn từ năm 2015-T9/2023 đã ghi nhận 99 trường hợp tử vong do Dại, đặc biệt là trong 9 tháng đầu năm 2023, Khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 16 trường hợp tử vong, cao nhất ở tỉnh Gia Lai với 11 ca.
Để hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bệnh Dại 28/9 và tăng cường công tác phòng chống bệnh Dại giảm thiểu tỷ lệ tử vong do Dại Khu vực Tây Nguyên, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng với UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh Dại và lễ mít tinh hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bệnh Dại tại tỉnh Gia Lai.
Song song với đó, để thực hiện nâng cao nhận thức và sự tham gia tích cực của người dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, các nhà lãnh đạo và quản lý, các ban ngành, đoàn thể và các tổ chức về phòng chống bệnh dại; tăng cường phối hợp hành động để thay đổi hành vi, góp phần giảm tỷ lệ mắc và tử vong, phấn đấu tiến tới mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam không có người tử vong vì bệnh dại, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã xây dựng và cấp 1.694 áp phích phòng chống bệnh dại song ngữ: tiếng Kinh-Ê Đê; tiếng Kinh-Mơ Nông, tiếng Kinh-Xê Đăng, tiếng Kinh-Gia Rai cho các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai. Bên cạnh đó, Viện thực hiện đợt truyền thông lưu động phòng, chống bệnh dại cho 02 huyện thuộc 02 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk.
1. Một số hình ảnh tại Hội nghị và Lễ Mít tinh phòng chống bệnh dại:
2. Áp phích tuyên truyền bệnh dại song ngữ:
Tiếng kinh – Ê Đê:
Tiếng Kinh - Mơ Nông
Tiếng Kinh – Gia Rai
Tiếng Kinh – Xê Đăng
3. Một số hình ảnh tuyên truyền lưu động:
4. Video: Truyền thông lưu động phòng chống bệnh Dại
Phòng Kế hoạch tổng hợp - Quản lý chất lượng và Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm