Đào tạo cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động
Đăng ngày: 18/08/2023Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã tổ chức 02 lớp đào tạo cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động cho gần 100 cán bộ là người làm công tác y tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh gồm: bác sĩ, bác sĩ y tế dự phòng, cử nhân điều dưỡng, y sĩ, điều dưỡng trung học, hộ sinh viên được quy định tại khoản 3 Điều 37 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động tại một số cơ sở thuộc 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Lớp 1 tổ chức tại tỉnh Đăk Nông từ ngày 31/7/2023 đến ngày 04/8/2023;
Lớp 2 tổ chức tại tỉnh Gia Lai từ ngày 07/8/2023 đến ngày 11/8/2023.
Hình ảnh học viên khóa đào tạo nhóm 5 tại tỉnh Đắk Nông
Với thời gian học tập trung 40 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra, đánh giá, các học viên đã được cập nhật các nội dung theo Thông tư 29/2021/TT-BYT ngày 24 tháng 12 năm 2021 về Hướng dẫn đào tạo cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động, cụ thể: Tổng quan các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động; Quản lý yếu tố có hại tại cơ sở sản xuất, kinh doanh và quan trắc môi trường lao động; Bệnh nghề nghiệp và bệnh liên quan đến nghề nghiệp; Sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc; Phòng chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm tại nơi làm việc; An toàn thực phẩm và dinh dưỡng tại nơi làm việc; Truyền thông giáo dục về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc, nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc; Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại cơ sở lao động; Quản lý hồ sơ vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động;
Hình ảnh học viên khóa đào tạo nhóm 5 tại tỉnh Gia Lai
Sau khóa đào tạo các học viên được cấp Chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động, có giá trị 5 năm (kể từ ngày Chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động lần đầu) và thực hiện trách nhiệm được qui định tại điều 73 Luật An toàn vệ sinh lao động, người làm công tác y tế (hoặc bộ phận y tế), bao gồm: có nhiệm vụ tham mưu, giúp người sử dụng lao động và trực tiếp thực hiện quản lý sức khỏe người lao động với những nội dung chủ yếu: xây dựng phương án, phương tiện sơ cấp cứu, thuốc thiết yếu và tình huống cấp cứu tai nạn lao động, tổ chức tập huấn công tác sơ cấp cứu cho người lao động tại cơ sở. Xây dựng kế hoạch và tổ chức khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều dưỡng và phục hồi chức năng lao động, tư vấn các biện pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp, đề xuất, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động. Tổ chức khám chữa bệnh thông thường tại cơ sở và sơ cấp cứu người bị tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật. Tuyên truyền, phổ biến thông tin vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc; kiểm tra việc chấp hành điều lệ vệ sinh, tổ chức phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho người lao động tại cơ sở; tổ chức thực hiện bồi dưỡng hiện vật theo quy định.
Hình ảnh học viên làm bài kiểm tra, đánh giá đầu khóa đào tạo
Người làm công tác y tế còn có trách nhiệm lập và quản lý thông tin về công tác vệ sinh, lao động tại nơi làm việc; tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá các yếu tố có hại; quản lý hồ sơ sức khỏe người lao động, hồ sơ sức khỏe của người bị bệnh nghề nghiệp (nếu có).
Khoa Sức khỏe nghề nghiệp - Kiểm soát bệnh không lây